Lấy cao răng có đau không và có ảnh hưởng gì về sau?
Cao răng không chỉ gây mất thẩm mỹ mà còn là điều kiện thuận lợi để vi khuẩn gây hại phát triển và gây hại cho răng miệng. Vậy lấy cao răng có đau không và có ảnh hưởng gì về sau? Cùng giải đáp những thắc mắc về việc lấy cao răng qua bài viết dưới đây.
Cao răng là gì?
Cao răng (hay còn gọi là vôi răng) là những mảnh vụn thực phẩm còn sót lại, bị vôi hóa bởi vi khuẩn, muối canxi cacbonat và calcium phosphate, tạo thành các mảng bám trên răng. Các mảng bám này lắng đọng ở thân răng, thậm chí là nướu lợi, có màu trắng đục hoặc màu vàng nâu.
Cao răng gây ra các tác hại đối với răng miệng như sau:
- Khiến hơi thở nặng mùi.
- Phá hủy men răng, gây sâu răng.
- Gây ra các bệnh về họng: viêm niêm mạc miệng, viêm họng, lở miệng, viêm amidan…
- Gây ra các bệnh về răng miệng: viêm nha chu, viêm tủy răng.
- Chảy máu chân răng.
- Ê buốt răng.
- Tụt nướu, làm lộ chân răng.
- Lung lay răng, rụng răng.
Cao răng nhiều có thể gây ra các bệnh về răng miệng
Tại sao cần cạo vôi răng?
Chính vì những tác hại nặng nề mà cao răng có thể gây ra cho sức khỏe răng miệng, mỗi người cần cạo vôi răng định kỳ từ 3 – 6 tháng/lần để bảo vệ răng và cơ thể.
Cũng bởi cao răng không thể bị lấy đi dễ dàng bằng tay hoặc bàn chải đánh răng. Do đó, cần tới các cơ sở nha khoa để được bác sĩ tiến hành thủ thuật cao vôi răng, lấy cao răng là việc làm cần thiết để bảo vệ sức khỏe răng miệng và đảm bảo thẩm mỹ cho mọi người.
Xem thêm >> Cao răng là gì? Cao răng có tác hại ra sao?
Lấy cao răng có đau không?
Lấy cao răng không phải là một thủ thuật khó nhưng đòi hỏi sự tỉ mỉ và nhẹ nhàng để loại bỏ được hết mảng bảm dính trên bề mặt răng và nướu răng. Những mảng bám màu vàng hoặc nâu xuất hiện xung quanh chân răng khiến mọi người bị mất tự tin vô cùng nên trước hết ta nên quan tâm đến việc ảnh hưởng của cao răng đến sức khỏe.
Khi kỹ thuật nha khoa chưa phát triển, vôi răng được lấy bằng tay với các dụng cụ chuyên dụng. Kỹ thuật này khá tốn thời gian và có thể gây đau và ê buốt răng. Tuy nhiên, ngày nay, việc làm sạch cao răng được tiến hành dễ dàng hơn với máy siêu âm. Điều này vừa giúp vôi răng được lấy nhanh chóng, đơn giản mà ít gây tổn thương cũng như ê buốt răng.
Nhưng nếu lấy cao răng ở dưới nướu hoặc khi bệnh nhân đang gặp một số bệnh lý về răng miệng thì sẽ khó hơn và có thể bị đau và ê buốt hơn so với cạo vôi ở thân răng. Cảm giác đau sẽ biến mất sau một vài ngày và không gây ảnh hưởng đến việc ăn uống.
Tùy cơ địa người, lượng cao răng và tay nghề của bác sĩ mà thời gian lấy cao răng có thể khác nhau, từ 15 – 30 phút.
Lấy cao răng bằng phương pháp siêu âm dễ dàng mà không hề đau đớn
Việc không chọn đúng cơ sở chuyên khoa uy tín chất lượng sẽ có thể khiến bạn gặp phải một số nguy cơ như:có thể làm răng lung lay răng, gây bệnh về nướu hoặc nha chu, nướu bị sưng và chảy máu nướu, tụt lợi.
Những lưu ý sau khi cạo vôi răng
Sau khi cạo vôi răng, răng cũng ít nhiều bị tổn thương. Do đó, cần lưu ý thực hiện một số cách chăm sóc răng miệng sau để giảm tình trạng ê buốt và tránh cao răng hình thành trở lại:
- Không ăn các thực phẩm quá nóng hoặc quá lạnh vì chúng có thể gây tổn hại men răng và gây ê buốt răng.
- Không hút thuốc, sử dụng bia rượu, các chất kích thích như trà, cafe, nước ngọt, socola…
- Hạn chế ăn các thức ăn quá mềm hoặc dẻo.
- Ăn nhiều rau củ, trái cây tươi.
- Đánh răng đúng cách, 2 lần/ngày vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và buổi tối trước khi đi ngủ bằng bàn chải lông mềm, theo chiều dọc hoặc vòng tròn.
- Sử dụng nước muối sinh lý hoặc chỉ nha khoa để làm sạch răng sau khi ăn.
- Khám và lấy cao răng định kỳ 4 – 6 tháng/lần hoặc theo chỉ định của bác sĩ nha khoa.
Như vậy, việc lấy cao răng có đau hay không phụ thuộc vào kỹ thuật, vị trí và số lượng mảng bám, cũng như tay nghề của bác sĩ. Khi nha khoa ngày càng phát triển, bạn sẽ không còn phải lo lắng về nỗi đau hay ê buốt mỗi lần cạo vôi răng nữa.